Đề thi giữa học kì 1 môn Văn lớp 9 năm 2015 - THCS Tân Trường

Cập nhật lúc: 15:09 29-09-2016 Mục tin: Đề thi giữa kì 1 lớp 9


Các em tham khảo Đề thi giữa học kì 1 môn Văn lớp 9 - THCS Tân Trường ngày 10-11-2015 các em cùng tham khảo chi tiết dưới đây

TRƯỜNG THCS TÂN TRƯỜNG

 
   

 


Ngày 10/11/2015

 

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA KÌ I

NĂM HỌC: 2015-2016

MÔN:  NGỮ VĂN 9

THỜI GIAN: 90 PHÚT.

Đọc kĩ bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:

BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH (Phạm Tiến Duật).

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.

Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi.

Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

 

Câu 1(1,5 điểm):

a. Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, về bài thơ?

b. Nêu chủ đề bài thơ?

Câu 2 (0,5 điểm): Giải thích ý nghĩa nhan đề bài thơ?

Câu 3 (2,0 điểm):

a. Chỉ rõ phép tu từ chủ yếu và tác dụng của nó trong đoạn thơ:

“Không có kính không phải vì xe không có kính
 Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.”

b. Xác định cấu trúc ngữ pháp của câu: “Ung dung buồng lái ta ngồi.”, gọi tên kiểu và nêu tác dụng của kiểu câu đó:     

 Câu 4 (1,0 điểm):

Trong câu thơ: “Chỉ cần trong xe có một trái tim.”, từ “trái tim” đã được chuyển nghĩa theo phương thức nào? Ý nghĩa của cách chuyển nghĩa đó?

Câu 5 (5,0 điểm):

Từ nội dung bài thơ, cùng những hiểu biết về các anh bộ đội trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc, hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Em hãy kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.

 

----- Hết ----

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮ KÌ, NGỮ VĂN 9 (2015- 2016)

Câu 1(1,5):

a.(1,0)

- Yêu cầu: Viết lời giới thiệu ngắn gọn, mạch lạc về tác giả (0,5): Cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp,..quan điểm sáng tác;

-  Giới thiệu xuất xứ (0,5): thời gian, hoàn cảnh ra đời. cảm hứng sáng tác,…

Gợi ý:

- Tác giả: Phạm Tiến Duật (1941-2007), quê Thanh Ba, Phú Thọ. Năm 1964, ông gia nhập binh đoàn vận tải Trường Sơn và hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm chống Mỹ. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Với quan niệm “chủ yếu đi tìm cái đẹp từ trong những diễn biến sôi động của cuộc sống”, thơ Phạm Tiến Duật có một giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, hóm hỉnh, tinh nghịch mà sâu sắc. Thơ ông tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ qua các hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Tác phẩm chính: Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Gửi em cô thanh niên xung phong, Lửa đèn, Bài thơ về tiểu đội xe không kính.  Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

- Tác phẩm: Bài thơ về tiểu đội xe không kính nằm trong chùm thơ của Phạm Tiến Duật được tặng giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969. Sau này bài thơ được đưa vào tập thơ “ Vầng trăng quầng lửa” (1970) của tác giả. Bài thơ được sáng tác trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra rất gay go, ác liệt. Bài thơ lấy cảm hứng từ những chiếc xe không kính làm nền để nhà thơ chiến sĩ khắc họa thành công chân dung người chiến sĩ lái xe: ung dung tự tại, lạc quan sôi nổi, bất chấp mọi khó khăn gian khổ , tình đồng chí đồng đội gắn bó tình yêu đất nước thiết tha…

+ Mức tối đa 1,5:  Trình bày đầy đủ ý, rõ ràng mạch lạc theo yêu cầu.

+ Mức chưa tối đa 0,25,0,5,0,75,1,0,1,25: Giới thiệu chưa đủ, chưa rõ ràng. Căn cứ nội dung đạt được để chấm các mức điểm, điểm lẻ đến  0,25.

+ Mức không đạt: Làm không đúng yêu cầu, hoặc không làm.

b (0,5).

- Yêu cầu: Nêu đúng chủ đề bài thơ, viết dưới dạng câu văn đúng ngữ pháp.

- Chủ đề: Vẻ đẹp hình ảnh người lính lái xe ở Trường Sơn trong những năm chống Mĩ.

+ Mức tối đa 0,5: Nêu đúng chủ đề.

+ Mức chưa đạt: nêu không đúng chủ đề, hoặc không làm.

Câu 2 (0,5):

- Nêu được ý nghĩa nhan đề bài thơ, trình bày rõ rang, dễ hiểu, sát với chủ đề: Ý nghĩa các dùng từ, ý nghĩa nội dung:

Gợi ý : Bài thơ có một nhan đề khá dài, tưởng như có chỗ thừa nhưng chính nhan đề ấy lại thu hút người đọc ở cái vẻ lạ, độc đáo của nó. Nhan đề bài thơ đã làm nổi bật rõ hình ảnh của toàn bài: những chiếc xe không kính. Hình ảnh này là một sự phát hiện thú vị của tác giả, thể hiện sự gắn bó và am hiểu của nhà thơ về hiện thực đời sống chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn. Nhưng vì sao tác giả còn thêm vào nhan đề hai chữ “Bài thơ”? Hai chữ “bài thơ”nói lên cách nhìn, cách khai thác hiện thực của tác giả: không phải chỉ viết về những chiếc xe không kính hay là cái hiện thực khốc liệt của chiến tranh, mà chủ yếu là Phạm Tiến Duật muốn nói về chất thơ của hiện thực ấy, chất thơ của tuổi trẻ Việt Nam dũng cảm, hiên ngang, vượt lên những thiếu thốn, gian khổ,khắc nghiệt của chiến tranh.

+ Mức tối đa 0,5: Nêu đúng chủ đề.

+ Mức chưa đạt: Chưa đạt yêu cầu, hoặc không làm.

 

Câu 3 (2,0):

a. (1,0):

- Nêu đúng phép tu từ điệp ngữ (0,5); Nêu được tác dụng của phép tu từ (0,5): Điệp ngữ ‘không” được dùng nhằm nhấn mạnh nguyên nhân những chiếc xe không kính và nhằm tạo ấn tượng cụ thể về hiện thực chiến tranh.

+ Mức tối đa 1,0: Làm đủ yêu cầu, viết rõ rang.

+ Mức chưa tối đa 0,25: Làm chưa đầy đủ, chưa đúng yêu cầu.

+ Mức không đạt: Làm không đúng hoặc bỏ bài.

b. (1,0):

- Xác định đúng cấu trúc ngữ pháp câu (0,5); Nêu đúng kiểu câu và tác dụng (0,5):

Ung dung //buồng lái ta ngồi.  (Có thể tác trạng ngữ khỏi chủ ngữ, nếu đưa xuống VN )

  VN                     CN                (Ung dung buồng lái //ta ngồi)

- Kiểu câu: Câu trần thuật đơn – Kiểu câu tồn tại, dùng nghệ thuật đảo ngữ nhằm nhấn mạnh tư thế tự tin, chủ động của người lính lái xe trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn.

+ Mức tối đa 1,0: Làm đủ yêu cầu, viết rõ rang.

+ Mức chưa tối đa 0,25: Làm chưa đầy đủ, chưa đúng yêu cầu.

+ Mức không đạt: Làm không đúng hoặc bỏ bài.

Câu 4 (1,0):

- Nêu được phương thức chuyển nghĩa của từ (0,5): Chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ.

- Nêu được ý nghĩa của cách chuyển nghĩa (0,5): Tạo cách nói nhiều ý nghĩa: Trái tim là một phép tu từ hoán dụ chỉ người lính lái xe Trường Sơn. Trái tim ấy đau xót trước cảnh nhân dân miềnNamsống trong khói bom thuốc súng, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Trái tim ấy dào dạt tình yêu Tổ quốc như máu thịt, như mẹcha, như vợ như chồng… Trái tim ấy luôn luôn sục sôi căm thù giặc Mỹ bạo tàn. Từ “trái tim” dùng trong câu thơ đã làm bừng sáng cả bài thơ và câu thơ cuối là “nhãn tự” của bài thơ,

+ Mức tối đa 1,0: Trình bày đạt yêu cầu, nêu được ý nghĩa của từ trái tim.

+ Mức chưa tối đa 0,25,0,5,0,75: Nêu chưa đủ, chưa thật đúng từng ý.

+ Mức chưa đạt: Làm không đúng yêu cầu, hoặc bỏ trống bài.

Câu 5 (5,0 điểm):

* Tiêu chí kĩ năng, năng lực, sự sáng tạo (1.0):

- Làm đúng kiểu bài tự sự: Kể chuyện tưởng tượng – tưởng tượng một cuộc gặp với nhân vật trong bài thơ. Lời kể có sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận. Biết tạo tình huống, tạo nhân vật tưởng tượng. Xác định đúng nhân vật chính trong câu chuyện kể là người lính lái xe và em – đồng thời là người kể chuyện. Từ đó, hãy kể lại câu chuyện của buổi gặp gỡ.

 Bài viết có bố cục rõ ràng, thứ tự kể hợp lí, lời kể mạch lạc, làm rõ chủ đề: Cuộc gặp gỡ, trò chuyện với người lính cuộc gặp gỡ, trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật nên những hình ảnh, sự việc, lời tâm sự của em và người lính ấy phải phù hợp với nội dung của bài thơ. Sử dụng ngôi kể thứ nhất – xưng “tôi”.

- Thể hiện rõ  nhận thức về những đặc điểm của hình tượng người lính lái xe trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (những suy nghĩ, tình cảm, những đặc điểm, phẩm chất…của anh bộ đội trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt);

- Thể hiện năng lực kể chuyện:  Các yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận được kết hợp trong bài viết là những suy nghĩ, tình cảm của em khi gặp gỡ người chiến sĩ ấy, và những suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay đối với quá khứ và cả tương lai của dân tộc.

+ Mức tối đa 1,0: Bài văn đạt các yêu cầu về kỹ năng làm bài tự sự - kể chuyện tưởng tượng… (Chấm thành 1 điểm riêng, sau đó cộng với điểm nội dung làm điểm bài văn.

+ Mức chưa tối đa 0,25, 0,5, 0,75: Chưa đạt các mức độ tối đa.

+ Mức không đạt: Không đạt được yêu cầu.

* Tiêu chí nội dung (4,0)

a. Mở bài (0,5):

- Dẫn dắt, nêu lí do, thời gian, không gian cuộc gặp gỡ.

- Giới thiệu cuộc gặp gỡ, nội dung. Tình cảm của nhân vật.

+ Mức tối đa 0,5: Đảm bảo yêu cầu nội dung mở bài của kiểu bài tự sự

+ Mức chưa tối đa 0,25: Chưa đảm bảo yêu cầu  mức tối đa.

+ Mức chưa đạt: Viết không đúng yêu cầu hoặc không có mở bài.

b. Thân bài (3,0):

- Kể lại tình huống được gặp gỡ, trò chuyện với người lính lái xe: (Gợi ý:Nhà trường tổ chức cho lớp đi thăm nghĩa trang Trường Sơn ngày 27-7. Ở đó, tôi được biết người quản trang chính là người lính Trường Sơn năm xưa…)

- Giới thiệu về người lính đó ( ngoại hình, tuổi tác,…): 

- Kể lại diễn biến cuộc gặp gỡ và trò chuyện: Thể hiện rõ cuộc trò chuyện của 2 nhan vật:

Ví dụ: +Tôi hỏi bác về những năm tháng chống Mỹ khi bác lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.

Ví dụ +Người lính kể lại những gian khổ mà bác và đồng đội phải chịu đựng: sự khốc liệt của chiến tranh,bom đạn của kẻ thù làm xe bị vỡ kính,mất đèn, không mui.

+Người lính kể về tinh thần dũng cảm, về tư thế hiên ngang, niềm lạc quan sôi nổi của tuổi trẻ trước bom đạn kẻ thù, trước khó khăn, gian khổ

 - Kể lại suy nghĩ về cuộc gặp gỡ, hoặc điều nhớ nhất:  Những suy nghĩ của bản thân (xen miêu tả nội tâm + Nghị luận): Những câu chuyện người lính kể cho tôi nghe tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm của tôi; Tôi khâm phục và tự hào về thế hệ cha ông anh dũng, kiên cường đánh giặc và làm nên chiến thắng vẻ vang; Tôi thấm thía hơn giá trị thiêng liêng của chủ quyền tự do, độc lập mà dân tộc ta đã đổ bao xương máu mới giành được.

+ Mức tối đa 3,0: Đảm bảo cốt truyện, thứ tự kể hợp lí, nhân vật tham gia việc, giải quyết việc bộc lộ rõ chủ đề truyện.

+ Mức chưa tối đa 0,25, 0,5, 1,0, 1,5, 1,75, 2,0, 2,5, 2,75: Chưa đảm bảo mức tuyệt đối. Căn cứ vào nội dung đã làm, chấm điểm tới mức 0,25.

+ Mức chưa đạt: làm không đúng yêu cầu kiểu bài hoặc bỏ bài.

c. Kết bài (0,5)

- Chia tay người lính lái xe.

- Suy nghĩ về cuộc gặp gỡ, trò chuyện- Liên hệ với bản thân:

.+ Mức tối đa 0,5: Đảm bảo yêu cầu nội dung phần kết của bài tự sự

+ Mức chư tối đa 0,25: Chưa đảm bảo yêu cầu tối đa.

+ Mức chưa đạt: Viết không đúng yêu cầu hoặc không có kết bài..

 

Tuyensinh247.com

Tham Gia Group Zalo 2K9 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí

Luyện Bài tập trắc nghiệm môn Toán lớp 9 - Xem ngay

>> Học trực tuyến lớp 9 và luyện vào lớp 10 tại Tuyensinh247.com, cam kết giúp học sinh lớp 9 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.

Cập nhật đề thi học kì của các trường trên cả nước tất cả các năm